CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ CÔNG NGHỆ TIN HỌC HPT
Lời chúc từ
Anh Ngô Vi Đồng
Chủ tịch HĐQT HPT
Năm 2025 HPT tròn 30 tuổi, đánh dấu một cột mốc quan trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển công ty. Để có được thành tựu trở thành công ty dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, tập thể ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên HPT đã nỗ lực không ngừng, vượt mọi gian khó, lao động, học tập sáng tạo và tận tụy phục vụ khách hàng, giữ gìn bản sắc văn hóa nhân bản hài hòa, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày một tươi đẹp hơn.
HPT chân thành cảm ơn các cơ quan quản lý Nhà nước, các Quý vị khách hàng, bạn bè, đối tác đã luôn tin tưởng và đồng hành cùng HPT trên con đường xây dựng và phát triển, cám ơn các Quý vị cổ đông và tập thể cán bộ nhân viên công ty đã luôn nỗ lực vì sự thành công của HPT.
Kính chúc các Quý vị và các bạn một năm mới Ất Tỵ 2025 mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc!
Chủ đề : Lịch nghệ thuật
KHÁM PHÁ CÂU CHUYỆN CỦA TỪNG BỨC TRANH
Trang Bìa: Xuân hồng
Xuân hồng là thông điệp mùa xuân của tác giả – Một bức tranh sơn dầu của chị Hàn Nguyệt Thu Hương, một trong những người sáng lập công ty HPT sáng tác nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập công ty HPT.
Xuân Hồng với hoa đào rực rỡ bừng lên như lời thì thầm của mùa xuân mới tươi đẹp – mùa của khởi đầu, hy vọng và tái sinh. Những cánh hoa mong manh nhưng kiên cường vượt qua mùa đông giá rét, tượng trưng cho ý chí vươn lên, niềm tin vào tương lai tươi sáng. Một thông điệp kín đáo mà tác giả muốn gửi đến cho những ai khéo nhận ra chú cánh cam xanh nhỏ bé khiêm nhường ẩn mình dưới chiếc lá chính là biểu tượng của sự chuyển hóa, dòng năng lượng tích cực, sự phát triển thịnh vượng và sự may mắn. Ánh xanh lấp lánh ấy còn là lời nhắc nhở dịu dàng về sức sống, sự kiên cường và niềm tin mãnh liệt vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập công ty HPT, qua bức tranh Xuân hồng này tác giả muốn gửi gắm tâm tư, háo hức hòa mình vào nhịp sống mới, gửi gắm ước mơ, hoài bão, và niềm tin vào một tương lai tươi sáng của công ty HPT. Chúc HPT một tuổi mới ngập tràn sức sống, một mùa xuân Ất Tỵ 2025 an lành và rực rỡ thành công. Chúc gia đình, bạn bè, khách hàng, đối tác và toàn thể anh chị em HPT một mùa xuân trọn vẹn yêu thương và hạnh phúc!
tháng 1: chợ tết QUÊ
Lấy cảm hứng từ bài thơ “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ – một bức tranh sơn dầu khổ lớn rất hoành tráng và mang đầy chất thơ của họa sĩ Phùng Phê. Bức tranh mang vẻ đẹp vừa bình dị thân thuộc, vừa rực rỡ sắc màu. Họa sĩ và nhà thơ đã làm sống lại cảnh vật và cuộc sống nơi đồng quê đậm đà màu sắc văn hóa dân gian với tất cả tấm lòng yêu thương nồng hậu. Đọc bài thơ và ngắm tranh ta như được đắm mình thực sự trong không khí vui tươi, nhộn nhịp, được đi chợ Tết cùng bà con ở các làng quê Bắc Bộ xưa. “Trên con đường viền trắng mép đồi xanh. Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.”
Họa Sĩ Phùng Phê năm nay đã ngoài 80 tuổi, ông thường vẽ tranh phong cảnh, vẽ về cuộc sống sinh hoạt đời thường, về con người, về các cảnh sinh hoạt chợ. Chợ chính là nét văn hóa mang bản sắc của mỗi địa phương là nơi giao thoa giữa tâm linh và thái bình. Họa sĩ Phùng phê thường vẽ các lễ hội truyền thống dân gian theo lối hiện thực, với gam màu ấm áp, tình cảm, và đôn hậu như chính con người ông. Bức tranh “Chợ Tết quê” với kích thước lớn mô tả gần hai trăm con người từ “Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ, Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.” tới “Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm. Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.” “Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha. Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết.” Bằng kỹ thuật hình họa vững vàng, họa sĩ đã dựng lên một khung cảnh chợ Tết đông vui nhộn nhịp, náo nhiệt, phong phú các tư thế, dáng điệu của kẻ chợ không trùng lặp vô cùng sống động tấp nập bước ra từ những ý thơ mang vẻ đẹp thôn ca bình dị. Bằng kỹ thuật phối cảnh, bức tranh hiện lên một quang cảnh rộng lớn hùng vĩ của một vùng quê. Chợ Làng với cây đa to lừng lững như khẳng định sự trường tồn của bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời. Con đường đất chạy ngoằn nghèo xa tít, phía chân trời “Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh. Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.” Có thể nói, bức tranh “Chợ Tết Quê” là một tác phẩm vô cùng tuyệt vời làm cho ta thêm yêu quê hương đất nước Việt Nam thanh bình.
tháng 2: Đón mùa hoa trái
Bức tranh “Đón Mùa Hoa Trái” của họa sĩ Đặng Quý Khoa. Họa sĩ năm nay đã gần 90 tuổi, ông tốt nghiệp khóa 1, hệ chính khóa chuyên khoa Sơn dầu (1957-1962) của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương), cùng lứa với các họa sĩ nổi tiếng như: Vũ Giáng Hương, Lê Thiệp, Phạm Công Thành, Nguyễn Ngọc Thọ… Ông sáng tác trên nhiều chất liệu như lụa, giấy dó, sơn dầu, bột màu…”
Với gam màu rất tươi sáng nổi bật của sắc tím và hồng trên nền xanh tươi của màu lá chuối, ít ai có thể nghĩ bức tranh lại được sáng tác bởi cụ ông họa sĩ đã ngoài 80 tuổi. Bức tranh toát lên một sức sống tươi trẻ, các cô gái ở tuổi dậy thì mơn mởn như chồi non vươn tay lên hái chùm quả chín cho ta thấy được niềm lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống của chính tác giả.
Tác phẩm “Đón Mùa Hoa Trái” là một bức tranh sơn dầu rất tươi mát đầy sức sống, thể hiện không khí mùa xuân tràn đầy hy vọng sung túc và bình an.
tháng 3: biển đảo quê hương
Bức tranh khắc gỗ hay là sơn khắc của họa sĩ Vũ Tư Khang (1945) mang tên “Biển Đảo Quê Hương”, được sáng tác vào năm 2002, với kích thước khá lớn. Đây là một tác phẩm đã giành giải thưởng trong một triển lãm của Hội Mỹ Thuật Việt nam. Họa sĩ Vũ Tư Khang thường sáng tác những đề tài có tính chất “mũi nhọn” của đời sống, những vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Tranh khắc gỗ là chất liệu đòi hỏi sự công phu và có độ bền cao. Họa sĩ Vũ Tư Khang là một trong số rất ít họa sĩ nổi tiếng về dòng tranh sơn khắc mà bây giờ đã mai một dần và rất ít họa sĩ còn sáng tác theo chất liệu này.
Bức tranh này mô tả hình ảnh biển đảo quê hương với những chiến sĩ hải quân mang dáng vẻ hồn nhiên tươi vui, năng động. Những con thuyền ra khơi trở về đầy ắp cá trong niềm vui hân hoan được mùa như gợi lên ước mơ về một cuộc sống thanh bình chốn đảo xa. Bức tranh này chọn cho tháng Ba, vì tháng Ba có ý nghĩa rất đặc biệt, liên quan đến sự kiện Gạc Ma, một sự kiện gắn liền với biển đảo quê hương. Việc chọn bức tranh này không chỉ để tôn vinh vẻ đẹp của biển đảo mà còn để nhắc nhở chúng ta về sự hy sinh và ý nghĩa của biển đảo đối với Tổ Quốc.
tháng 4: nhất tâm 4
Là bức tranh sơn mài khổ lớn ấn tượng mang tên “Nhất Tâm 4” của họa sĩ Lương Khánh Toàn (1955). Bức tranh này được chọn để đưa vào tháng Tư năm 2025 vì sẽ gắn liền với một sự kiện đặc biệt đó là kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất Đất nước.
Họa sĩ Lương Khánh Toàn chuyên vẽ sơn mài truyền thống. Các tác phẩm của ông không chỉ thể hiện kỹ thuật sơn mài điêu luyện mà còn phản ánh chiều sâu văn hóa và cảm xúc. Ông đã khéo léo kết hợp truyền thống và hiện đại, mang đến một cái nhìn mới mẻ về nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Những tác phẩm của ông thường chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa của triết lý phật giáo, từ vẻ đẹp thiên nhiên, con người đến những trải nghiệm sống sâu sắc.
“Nhất tâm” là trạng thái tinh thần tập trung hoàn toàn, không bị xao nhãng. Đây là một yếu tố quan trọng trong hành thiền và tu tập, giúp hành giả đạt đến sự an tịnh và giác ngộ. “Nhất tâm bất loạn”: Một trạng thái tâm trí không bị dao động, kiên định với mục tiêu giác ngộ hoặc niệm Phật. “Nhất Tâm” là một bức tranh bán trừu tượng pha chút lập thể trang trí, được họa sĩ kết hợp tài tình các gam màu vui tươi rực rỡ và đầy ấn tượng với thông điệp về sự đồng tâm, nhất trí. Việc chọn bức tranh này cho tháng Tư nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của sự thống nhất Đất nước và khát vọng con người đoàn kết, vững vàng, hướng tới một tương lai tươi sáng.
tháng 5: Nắng sớm trên bản Ma Lé
Sẽ là bức tranh tuyệt đẹp của họa sĩ Dương Tuấn (1975), mang tên “Nắng Sớm Trên Bản Ma Lé”. Đây là một tác phẩm thể hiện cảnh sắc thiên nhiên trên vùng đất Hà Giang, thể hiện vẻ đẹp thanh bình và mộc mạc của một buổi sáng sớm ở bản làng miền núi Tây Bắc. Họa sĩ Dương Tuấn thường vẽ về phong cảnh, con người và thiên nhiên mảnh đất vùng núi cao hay những phong cảnh hồ ao, cánh đồng lúa, hay những chiều trên triền đê ngăn mặn với những chú dê non thong thả ăn cỏ non…. “Với bút pháp ấn tượng thực, họa sĩ muốn mang không khí của miền Tây Bắc đến với công chúng yêu nghệ thuật bằng tình cảm dung dị, chân thành của mình. Đây cũng chính là một trong 5 tác phẩm của họa sĩ tham dự triển lãm “Đa Diện 3” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tháng 7 năm 2019.
Họa sĩ Dương Ngọc Tuấn đã thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, sơn mài, acrylic, lụa…Tháng 3 năm 2024 tại cuộc thi UOB (United Overseas Bank) Painting of the Year, anh giành giải Đồng tại hạng mục Nghệ sĩ Thành danh đánh dấu bước tiến mới trong chặng đường nghệ thuật của Dương Ngọc Tuấn.
tháng 6: Chân dung 2
Là một bức tranh mang đậm chất nghệ sĩ của họa sĩ Nguyễn Văn Nghị, một trong những tên tuổi nổi bật trong làng mỹ thuật Việt Nam. Năm nay, họa sĩ Nguyễn Văn Nghị đã gần 80 tuổi (1949 ) và ông là giảng viên lâu năm tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội, đồng thời là thành viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông được giới chuyên môn đánh giá là một họa sĩ có một phong cách vững vàng, độc đáo và riêng biệt, thể hiện ở bút pháp, thẩm mỹ chắc chắn về màu, về bố cục và những góc nhìn mới lạ trong cách tiếp cận các đề tài cũng như cách thể hiện đề tài. Dù ở đề tài lao động sản xuất, chiến tranh cách mạng hay các đề tài mang tính thời đại, biểu hiện cá nhân…, Nguyễn Văn Nghị cũng đánh dấu mình ở một cách sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật riêng, đầy chủ động, khảng khái, phóng khoáng và mạnh mẽ. Ông được ca ngợi là một trong số những họa sĩ có thẩm mỹ về hình họa, màu sắc và bố cục vững vàng nhất trong giới Mỹ thuật Việt Nam.
tháng 7: Trước giờ mở màn
Bức tranh của họa sĩ Đỗ Doãn Châu (1943), một nghệ sĩ nhân dân, giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Bức tranh mang tên “Trước Giờ Mở Màn”, được ông vẽ để ghi lại hình ảnh những nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam thời kỳ trước. Tôn thờ sân khấu, luôn khát khao cống hiến những sáng tạo xuất sắc nhất, NSND Doãn Châu luôn đặt cá tính nghệ thuật của mình lùi sau mỗi thiết kế, bởi mỗi thiết kế mang một vẻ riêng. Hơn 40 năm làm nghệ thuật ông đã thiết kế mỹ thuật cho hơn 400 vở diễn, ông được mệnh danh là “phù thủy” sân khấu với biệt tài biến hóa khôn lường.
Bức tranh có kích thước khá lớn và là một tác phẩm sơn dầu tuyệt vời mang đầy tâm huyết nghề nghiệp và tình cảm của ông dành cho bạn bè đồng nghiệp. Trong tranh, họa sĩ khắc họa chân dung của các nghệ sĩ, những người bạn thân thiết của ông, như nghệ sĩ Thế Anh đang hút thuốc, nghệ sĩ Doãn Hoàng Giang rất ngầu trong chiếc áo màu xanh, cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác trong những khoảnh khắc đầy sống động trước giờ biểu diễn.
tháng 8: Vườn ký ức
Sẽ là bức tranh của họa sĩ Phạm Trà My (1986), với tác phẩm sơn mài truyền thống mang tên “Vườn Ký Ức”. Trà My là một họa sĩ trẻ và tài năng, cô thuộc thế hệ 8X, nổi bật với những bức tranh thể hiện vẻ đẹp của cảnh vật quê hương. Tranh của cô luôn có những dấu hiệu nhận dạng riêng với những bông hoa trà my mềm mại quyến rũ, hoa lá uốn lượn uyển chuyển đầy chất nữ tính, pha chút trìu tượng đưa người xem vào khung cảnh thiên nhiên với chút hoài niệm về ký ức xa xưa.
Hiện nay, nhiều tác phẩm của họa sĩ Trà My đã được trưng bày tại văn phòng trụ sở Công ty HPT tại Thủ Đức – TP.HCM. Bức tranh “Miền Ký Ức” được chọn cho Tháng Tám mang đến cho người xem một cảm giác ấm áp và gần gũi, với sự hòa quyện giữa thiên nhiên và ký ức, gợi nhớ về cuộc sống an vui và lãng mạn.
Chất liệu sơn mài truyền thống hay còn gọi là sơn ta là một chất liệu sáng tác rất quý cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Với kỹ thuật thực hiện rất công phu, đòi hỏi sự kiên nhẫn đầy tâm huyết cũng như cần có bản lĩnh thực sự của người họa sĩ. Thời gian sáng tạo tác phẩm cũng lâu hơn rất nhiều so với các chất liệu khác. Các nguyên liệu vật tư được sử dụng đưa vào tranh cũng vô cùng phong phú từ loại sơn, màu sắc, vỏ trứng, vỏ ốc và các kim loại quý như vàng, bạc, vv…rất rộng mở cho nghệ sĩ thể hiện bằng tài năng sáng tạo của mình.
tháng 9: Hoa Diên vĩ 2
Là một tháng đặc biệt gắn liền với sự kiện quan trọng là Ngày Quốc khánh Việt Nam. Bức tranh có tên là “Hoa Diên Vĩ 2”, một bức tranh tươi sáng với màu sắc rực rỡ, do chị Hàn Nguyệt Thu Hương ( thành viên HĐQT HPT) sáng tác. Bức tranh là món quà tặng tinh thần mà tác giả đã gửi tặng anh Đinh Hà Duy Linh – Tổng Giám Đốc HPT. Cũng rất ý nghĩa khi HPT quyết định chọn tác phẩm này cho tháng 9 như một món quà đầy yêu thương cho tháng sinh nhật của chính tác giả. Hoa Diên Vĩ là một đề tài mà tác giả rất tâm đắc cả về ý nghĩa lẫn sắc màu đa dạng. Chị Hương vẽ rất nhiều tranh về đề tài hoa Diên Vĩ với nhiều gam màu sống động như Diên Vĩ xanh, Diên Vĩ tím, Diên Vĩ Hồng…loài hoa Diên vĩ thiên biến vạn hóa trong nhiều hình thái dáng vẻ với hàng nghìn màu sắc khác nhau cho tác giả cảm xúc bất tận để sáng tác. Bức tranh này được sử dụng kết hợp khá tốt các gam màu nóng mạnh với nhau như xanh, đỏ tím cam cho thấy cá tính mạnh mẽ nhưng lại uyển chuyển mềm mại và tình cảm qua những cánh hoa uốn lượn dịu dàng.
Tháng 10: Duyên phận
Tác phẩm “Duyên Phận” của họa sĩ Võ Văn Y. Họa sĩ Võ Văn Y sinh năm 1951, tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Gia Định năm 1975. Là một nghệ sĩ thành thạo cả sơn dầu và sơn mài, ông thể hiện tay nghề vững vàng qua các tác phẩm với bố cục chặt chẽ, màu sắc hài hòa. Dù không quá đột phá về ý tưởng, tranh của ông mang đậm nét lãng mạn, xúc cảm tinh tế và sự cân đối trong nghệ thuật. Ông từng nhận nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật và tham gia các triển lãm trong và ngoài nước.
Tác phẩm “Duyên Phận” là một bức tranh giàu ý nghĩa, khơi gợi ước mơ thầm kín của người con gái về tình yêu, tự do, và cuộc sống. Bóng dáng cung đình xưa, chiếc lồng chim mở ngỏ, và đôi chim câu tượng trưng cho khát vọng thoát khỏi những ràng buộc khắc nghiệt của chế độ phong kiến để hướng tới một cuộc sống mới thanh bình, tự do.
Hình ảnh thiếu nữ miền Nam được khắc họa nhẹ nhàng, duyên dáng, mang đậm nét đẹp lãng mạn phù hợp với không khí của tháng Mười. Tác phẩm tạo nên cảm giác ấm áp, dễ chịu, như một bản hòa ca giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại.
tháng 11: Hai chị em
Họa sĩ Vũ Ngọc Vĩnh và tác phẩm “Hai Chị Em”. Vũ Ngọc Vĩnh (1978) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2007. Anh đã tham gia nhiều triển lãm nhóm và là thành viên của nhóm Hiện thực. Tranh của anh nằm trong bộ sưu tập của nhà vua Morocco và nhiều bộ sưu tập khác trong và ngoài nước.
Vũ Ngọc Vĩnh là một họa sĩ trẻ đầy tài năng, đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình với kỹ thuật vẽ hiện thực, sử dụng màu rất sâu và đầy ma mị phản ánh nhiều góc nhìn đa chiều về thân phận của người phụ nữ. Tranh của anh luôn khiến ngươi xem phải tò mò trăn trở, những thông điệp thầm kín về tình yêu, ước mơ cuộc sống, ẩn khuất trong từng nhân vật của anh. Tác phẩm “Hai Chị Em” toát lên vẻ đẹp tươi mới trong sáng, tinh khiết của tuổi trẻ và tình chị em. Với Kỹ thuật điêu luyện cùng biệt tài tả chất liệu (vải vóc) trong tác phẩm, sự kiên nhẫn tỉ mỉ trong từng chi tiết và cảm xúc sâu lắng trong cách thể hiện là minh chứng cho khả năng vượt trội của anh. Một điểm đặc biệt khác trong tranh của anh là sự tương phản giữa cái tĩnh và cái động, giữa nét cổ điển trong cách thể hiện và hơi thở hiện đại trong thông điệp. Các tác phẩm của Vũ Ngọc Vĩnh không chỉ thu hút về mặt thị giác mà còn chứa đựng tầng ý nghĩa sâu sắc, phản ánh sự trăn trở, khát vọng và vẻ đẹp tinh thần của con người. Phong cách này không chỉ khẳng định tài năng vượt trội của anh mà còn đưa tranh của Vĩnh vượt khỏi biên giới, chạm tới tầm vóc quốc tế, đồng thời mang lại một góc nhìn mới lạ nhưng rất đỗi Việt Nam trong nghệ thuật đương đại.
tháng 12: Nắng chiều
Họa sĩ Nguyễn Văn Bảng sinh năm 1958, tại Hà Nội – là một bậc thầy về sơn mài truyền thống, người đã góp phần đưa nghệ thuật này vươn xa và khẳng định vị thế của nó trong mỹ thuật Việt Nam. Ông nguyên là Trưởng khoa Mỹ thuật trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội là cái nôi đào tạo rất nhiều họa sĩ nổi tiếng về sơn mài truyền thống hay còn gọi là sơn ta. Những trải nghiệm của ông với sơn mài đã kéo dài gần 4 thập kỷ. Ông ôm trọn chất liệu khó tính này bằng tất cả tình yêu và ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt. Tranh của ông có trong nhiều bộ sưu tập quý và các Bảo tàng mỹ thuật. Ông là trưởng nhóm Sơn Mài Bắc gồm 8 họa sĩ thành danh chuyên về chất liệu sơn ta của Việt Nam.
Tác phẩm “Nắng Chiều” của ông, với cảnh chiều tà thơ mộng nhấp nhô những đỉnh núi mây trắng lung linh huyền ảo của miền Tây Bắc. Bức tranh là một tuyệt tác với sự kết hợp hoàn hảo của nhiều chất liệu thiên nhiên từ đơn giản đến quý hiếm. Tác giả thể hiện tay nghề tuyệt đỉnh về kỹ thuật sơn ta, nghệ thuật cẩn trứng điêu luyện nhuần nhuyễn cho người xem chiều sâu cảm xúc đầy lãng mạn như đang thưởng ngoạn phong cảnh sáng bừng tinh khiết của rừng hoa mận trắng. Biệt tài sử dụng các chất liệu quý như vàng bạc rất khéo léo làm nền trời như ửng lên ánh nắng vàng cuối chiều dịu nhẹ vô cùng tinh tế. Bức tranh gợi lên không gian đất trời mênh mang đầy trữ tình, cho người xem như đắm mình trong rừng hoa mận thơm ngát, ấm áp với những giọt nắng chiều êm dịu, mang đậm chất thơ chẳng khác nào đưa ta lạc vào cõi mộng ảo.